Hồ sơ mở phòng khám tư nhân đa khoa hay chuyên khoa về cơ bản là giống nhau, điều khác biệt quan trọng là với mỗi chuyên khoa riêng hoặc đa khoa thì pháp luật có quy định chủ cơ sở phải đáp ứng các điều kiện khác nhau. Đối với việc mở phòng khám siêu âm (chẩn đoán hình ảnh) chúng tôi có bài viết tập trung về các điều kiện, cụ thể như sau:
1. Điều kiện về cơ sở vật chất
Cơ sở vật chất của phòng khám tư nhân phải đảm bảo những điều kiện sau:
– Xây dựng và thiết kế phòng khám:
+ Địa điểm cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình;
+ Xây dựng chắc chắn, đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa làm vệ sinh;
+ Phòng X quang, chụp cắt lớp vi tính (CT scanner), cộng hưởng từ (MRI) phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về an toàn bức xạ;
+ Phòng siêu âm, phòng nội soi chẩn đoán được thiết kế độc lập, mỗi phòng có diện tích ít nhất là 10m2; riêng đối với nội soi tiêu hóa nếu thực hiện cả hai kỹ thuật nội soi tiêu hóa trên và nội soi tiêu hóa dưới thì phải có 02 buồng riêng biệt;
– Bảo đảm xử lý rác thải y tế và các điều kiện về an toàn bức xạ theo quy định của pháp luật;
– Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.
2. Thiết bị y tế
– Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở đăng ký;
– Có thiết bị phòng hộ cá nhân theo quy định của pháp luật về an toàn bức xạ.
3. Nhân sự
– Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chẩn đoán hình ảnh phải là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề và có thời gian trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh về chẩn đoán hình ảnh ít nhất là 54 tháng;
– Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chẩn đoán hình ảnh, các đối tượng khác làm việc trong phòng khám chẩn đoán hình ảnh nếu có thực hiện các kỹ thuật chuyên môn về chẩn đoán hình ảnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Việc phân công phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.
4. Điều kiện về phạm vi hoạt động chuyên môn
– Chẩn đoán X.Quang, chụp cắt lớp, cộng hưởng từ;
– Chẩn đoán siêu âm doppler, siêu âm thường, nội soi chẩn đoán;
– Không sử dụng thuốc cản quang tĩnh mạch tại phòng khám chẩn đoán hình ảnh;
– Không chọc dò dưới hướng dẫn của siêu âm, không làm phẫu thuật nội soi, không soi phế quản, không làm các can thiệp X.Quang chảy máu;
– Cử nhân X.Quang (tốt nghiệp đại học) không được kết luận chẩn đoán;
– Các kỹ thuật chuyên môn khác do Giám đốc Sở Y tế tỉnh phê duyệt trên cơ sở năng lực thực tế của người hành nghề và điều kiện thiết bị y tế, cơ sở vật chất của phòng khám.