ĐIỀU KIỆN NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU PHÒNG KHÁM ĐA KHOA
Bạn đang muốn mở Phòng khám nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và phải chuẩn bị những gì? Bạn đang cần được chia sẻ và tư vấn cụ thể về kinh nghiệm mở Phòng khám?… Phòng khám đa khoa là loại hình kinh doanh đặc biệt vì trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Do vậy, mở Phòng khám đa khoa thực không hề đơn giản. Bên cạnh đó, bạn còn phải tuân thủ theo những quy định chặt chẽ của Pháp luật. Thật nhiều vấn đề cần lo nghĩ phải không? Hãy cùng bài viết dưới đây của Vtvlaw để tìm hiểu những điều kiện về người đứng đầu phòng khám đa khoa
Để được mở phòng khám đa khoa, trước người đứng đầu cần có chứng chỉ hành nghề. Theo quy định tại điều 18 Luật khám chữa bệnh năm 2009 sửa đổi bổ sung để đươc cấp giấy phép hành nghề cần có các điều kiện sau đây:
– Có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:
+ Văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam
+ Giấy chứng nhận là lương y
+ Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
– Có văn bản xác nhận quá trình thực hành, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
– Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
– Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Cũng theo điều 24 Luật khám chữa bệnh năm 2009 sửa đổi bổ sung thì người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam, trước khi được cấp giấy phép hành nghề, phải qua thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:
+ 18 tháng thực hành tại bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện) đối với bác sỹ
+ 12 tháng thực hành tại bệnh viện đối với y sỹ
+ 09 tháng thực hành tại bệnh viện có khoa phụ sản hoặc tại nhà hộ sinh đối với hộ sinh viên
+ 09 tháng thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với điều dưỡng viên, kỹ thuật viên.
+ Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản về quá trình thực hành cho người đã thực hành tại cơ sở của mình, bao gồm nội dung về thời gian, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.